MỘT CHÚT TÂM TÌNH VÀ VÀI TRAO ĐỔI VỚI ĐỘC GIẢ

 

       MỘT CHÚT TÂM TÌNH VÀ VÀI TRAO ĐỔI VỚI ĐỘC GIẢ

 

 

 



                        MỘT  CHÚT  TÂM  TÌNH

 

            Một người bạn chuyển cho tôi bản tóm tắt bài nói chuyện của Tiến Sĩ

 

            Nguyễn Văn Luơng. Sau đó lại thấy rất nhiều người trên nhiều diễn đàn

 

            khác nhau phụ họa. Bèn viết bài thơ cho đỡ ngứa ngáy.

 

            Phạm Đức Nhì

 

 

Ngày 30-4-2012, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lương, chuyên gia kinh tế tài chánh tị nạn 1975 tại Hoa Kỳ đã phát biểu và thảo luận về chiến dịch ngừng du lịch Việt Nam, ngừng gửi đô-la Mỹ (hay còn gọi là chiến dịch xiết kiều hối) trên mạng PALTALK nhân dịp tưởng niệm ngày Quốc hận 30-4. Bài phát biểu được tóm tắt thành 7 điểm:

Đồng bào hải ngoại tị nạn không du lịch Việt Nam

 

Dừng việc gửi tiền kiều hối quá mức về Việt Nam (chỉ gửi hạn chế không quá $50/tháng)

 

Tẩy chay hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam

 

Không ủng hộ, quyên góp cho các tổ chức tôn giáo, từ thiện, danh nghĩa tại Việt Nam

 

Vận động chính phủ quốc gia nơi đồng bào cư trú ban hành đạo luật cấm gửi tiền và du lịch Việt Nam

 

Du lịch và gửi đô-la Mỹ về Việt Nam là PHẢN QUỐC!

 

Du lịch và gửi đô-la Mỹ là nuôi chế độ VC sống lâu thêm!

 

 

 

“Con ơi!

 

Đây là cây vàng

 

nhà mình có bốn chỉ

 

sáu chỉ kia mượn của bà con

 

lạy trời chuyến này con đi trót lọt

 

qua đó gắng đi làm

 

gởi tiền về trả nợ nghe con”

 

 

Đó là hậu cảnh vượt biên

không đủ vàng

 

không đủ tiền

 

nên nhiều gia đình

 

phải chấp nhận hy sinh

 

người đi

 

kẻ ở

 

 

Với những người tù cải tạo

may mắn sống sót trở về

 

bị công an quản chế khắt khe

 

sống những tháng ngày

 

khó khăn

 

thiếu thốn

 

khi được chương trình HO phỏng vấn

 

rồi lúc vui mừng bước lên phi cơ

 

“miếng khi đói

 

gói khi no”

 

không khỏi bâng khuâng

 

nghĩ đến ân nghĩa

 

của bao người đã ra tay giúp đỡ

 

 

Có thể nói

hầu hết người Việt Nam

 

đang sống tự do

 

nơi hải ngoại

 

đều ít nhiều mắc nợ

 

người ở lại

 

món nợ ân tình

 

 

Tôi cũng từng ngồi trên thuyền lênh đênh

giữa mênh mông biển cả

 

phía trước

 

chưa thấy đâu bờ bến

 

sau lưng

 

tiếng rên siết của quê hương

 

và gánh nặng gia đình

 

 

Khi được nước Mỹ tạm dung

dù lòng háo hức

 

không dám mon men

 

đến cổng trường đại học

 

bởi nơi quê nhà

 

còn bà mẹ già

 

và một lũ em

 

từng giờ từng phút ngóng tin

 

 

Thế rồi

lúc trên bờ

 

khi xuống biển

 

những công việc nặng nhọc

 

nguy hiểm

 

Mỹ đen le lưỡi

 

Mỹ trắng lắc đầu

 

tôi vẫn liều lĩnh xông vào

 

 

Hai vợ chồng sớm chiều lam lũ

mặc quần áo Goodwill (1)

 

đi xe cũ

 

tháng tháng tằn tiện chắt chiu

 

khi có được ít nhiều

 

gởi về Việt Nam “trả nợ”

 

 

Tôi đã góp sức

 

xây được ngôi nhà thờ tổ

 

chu cấp

 

để các em

 

phụng dưỡng mẹ già

 

đến khi mẹ thất lộc đi xa

 

mồ yên

 

mả đẹp

 

 

Rồi trong gia đình

khi cười

 

lúc khóc

 

lại cũng anh Việt kiều

 

lặng lẽ mở hầu bao

 

 

Mấy đứa em năm nào

 

lội suối băng rừng

 

nuôi anh cải tạo

 

giờ thỉnh thoảng kể lại chuyện xưa

 

(nhắc khéo)

 

xin anh chút vốn làm ăn

 

và còn biết bao chuyện trách nhiệm

 

nghĩa ân

 

không thể làm ngơ

 

từ chối

 

 

Bỗng đọc lời các anh kêu gọi

lòng thấy hoang mang

 

cứ ngỡ mình đọc nhầm

 

“Đừng gởi tiền về Việt Nam

 

gởi tiền về Việt Nam là phản quốc.”

 

 

Các anh nói chắc như đinh đóng cột

Xiết Chặt Kiều Hối

 

chế độ cộng sản sẽ tiêu tan

 

nhưng nhìn kỹ Bắc Hàn

 

tôi thấy

 

hình như không phải vậy

 

 

Hơn 60 năm nghèo đói

 

khoai sắn cũng không đủ ăn

 

hạn hán lụt lội mỗi năm

 

phải ngửa tay

 

nhận gạo

 

bột mì

 

của Liên Hiệp Quốc

 

 

Phố phường lụp xụp

đường sá sơ sài

 

chính phủ lại làm oai

 

thắt lưng buộc bụng

 

để chế bom nguyên tử

 

 

Hết cấm vận lại phong tỏa

dân đen như lũ nô lệ khốn cùng

 

nhưng chế độ vẫn vững như thành đồng

 

không lay chuyển

 

 

Không phải vì Bắc Hàn

không có người quả cảm

 

cũng không phải người Bắc Hàn

 

không thích dân chủ

 

nhân quyền

 

 

Nhưng ở cái xứ mà mỗi tấm bánh

mỗi chén cơm

 

đều được đong đếm

 

và phân chia

 

vô cùng nghiêm ngặt

 

một lời bình phẩm chân thật

 

một thái độ bất mãn vô tình

 

đủ để bị bớt phần ăn

 

cũng có nghĩa là sắp mất luôn cuộc sống

 

 

Nếu “cấu kết”

“âm mưu”

 

“bạo động”

 

không những mất mạng mình

 

mà còn khốn khổ dòng họ

 

gia đình

 

 

Cho nên

những người bất đồng chính kiến

 

thường phải ngậm miệng

 

hoặc chết cô đơn lặng lẽ

 

trong các trại giam

 

 

 

Kinh tế Việt Nam

 

những người còn nặng lòng với quê hương

 

nghĩ đến đều rất buồn

 

bởi nó què quặt và yếu kém

 

 

 

Nhưng so sánh với Bắc Hàn cộng sản

 

dân Việt còn đỡ khổ hơn

 

chẳng phải do được chính quyền cộng sản xót thương 

 

mà là nhờ đám Việt kiều

 

và tiền đô của họ

 

 

 

Nhiều tỷ đô la mỗi năm

 

lưu chuyển qua các cửa hàng

 

các chợ

 

hàng hóa

 

dịch vụ

 

đến tay cả mấy chục triệu người

 

 kinh tế thị trường lên ngôi

chế độ tem phiếu

 

đã không còn chỗ đứng

 

mất sổ gạo

 

không còn là nỗi lo thót bụng

 

cứ có tiền

 

gạo sẽ được chở đến tận nhà

 

 

Anh công an khu vực

vẫn đôi mắt diều hâu rình mò

 

nhưng móng vuốt

 

không còn sắc bén

 

như những năm trước đó

 

 

Nhiều người đã vượt qua nỗi sợ

cất lên tiếng nói lương tri

 

Cù Huy Hà Vũ

 

Blogger Điếu Cày

 

Lê Thị Công Nhân

 

Huỳnh Thục Vy

 

rồi tiếng súng của Đoàn Văn Vươn

 

làm rúng động bọn cường quyền cướp đất

 

 

 

Dĩ nhiên trong mỗi người họ

 

đều đã có tinh thần bất khuất

 

dòng máu anh hùng

 

của Bà Triệu

 

Bà Trưng

 

của Trần Hưng Đạo

 

Quang Trung

 

Lê Lợi

 

 

Nhưng cái môi trường xã hội

do dòng kiều hối tạo ra

 

(dù họ không trực tiếp nhận đô la)

 

đã cho họ thêm niềm tin và lòng can đảm

 

 

 

Cũng như các anh

 

tôi chẳng có tý nào thiện cảm

 

nhìn những Việt kiều huênh hoang

 

về Việt Nam

 

chỉ để khoe của

 

trai gái

 

và bốc phét

 

 

Và như các anh

tôi cũng điên tiết

 

nhìn họ ôm tiền về đầu tư

 

để rồi bị lừa

 

vừa mất của

 

vừa mang tội tiếp tay cho kẻ ác

 

 

Nhưng còn biết bao người khác

có tội tình gì?

 

chẳng lẽ một người lỗi lầm

 

là “tam tộc tru di”?

 

có vài con sâu

 

là phải chặt cả vườn cây ăn trái?

 

 

Có thể ngày xưa

các anh có chức có quyền

 

nên khi đất nước ngả nghiêng

 

gia đình được ưu tiên

 

di tản

 

 

Cũng có thể các anh may mắn

có người quen

 

người thân

 

trong hải quân

 

không quân

 

nên những ngày cuối tháng tư

 

gia đình được tàu thủy phi cơ

 

đưa ra hạm đội

 

 giờ đây

ông bà

 

cha mẹ

 

vợ con các anh

 

đang xênh xang

 

trên vùng đất mới

 

chùm khế ngọt ngày xưa

 

với các anh

 

nay bỗng nhạt phèo

 

 

Quen sống xa hoa

các anh đã quên

 

đại đa số dân Việt vẫn rất nghèo

 

không phải

 

vì thiếu khả năng

 

cũng không phải

 

vì lười biếng

 

mà vì phải sống

 

dưới chế độ độc tài

 

độc đảng

 

tham nhũng

 

bất công

 

 

Dốt nát ngu si

nhưng được đảng chống lưng

 

cũng quyền cao chức trọng

 

thông minh tài trí

 

mà không quỳ dưới lá cờ búa liềm

 

cầm tấm thẻ đảng viên

 

cũng chỉ là phó thường dân nam bộ

 

 

Dây mơ rễ má đến chế độ cũ

như gia đình chúng tôi

 

sẽ buôn thúng bán bưng

 

làm rẫy làm ruộng suốt đời

 

 

Bởi thế ở Mỹ

chúng tôi bán mồ hôi

 

cần cù tay chân xốc vác

 

cố gắng để vợ con đủ ăn

 

đủ mặc

 

và có chút tiền để dành

 

thỉnh thoảng gởi về gia đình

 

cứu đói

 

 

Thôi thì mặc kệ các anh chửi bới

chúng tôi cứ cư xử thuận lẽ trời

 

mình đang sống kiếp người

 

đâu nỡ để thân nhân sống đời

 

súc vật

 

 

Lúc này bà mẹ vợ của tôi

mỗi khi trái nắng trở trời

 

miệng già nuốt cơm không vô

 

có thể cầm ly sữa en- sua (ensure)

 

nhấm nháp cho đời bớt khổ

 

 

Năm ngoái

thằng cháu sưng ruột phải mổ

 

chưa có tiền dúi vào tay bác sĩ

 

y tá

 

tới bệnh viện

 

ôm bụng nằm ngoài hành lang

 

nếu không có cú điện thoại khẩn cấp gọi sang

 

và nếu tiền đô về không kịp

 

chắc giờ này

 

nó đã nằm yên

 

dưới ba tấc đất

 

 

Biết bao cô gái

đang tuổi hoa niên thơ dại

 

gia đình bị dồn đến chân tường

 

phải cầm nhà

 

bán vườn

 

đút lót cho chính quyền cộng sản

 

để được trần truồng đứng xếp hàng

 

cho đám đàn ông ngoại quốc

 

xăm xoi tìm mua

 

như mua một mớ cá

 

mớ tôm

 

 

Có cô lọt vào tay một gã Đài Loan

gia đình “tam đại đồng đường”

 

cha con ông cháu ở chung một nhà

 

nó mua cô về

 

không phải để làm vợ

 

mà là làm đầy tớ

 

và làm đĩ

 

 

Quần quật suốt ngày không nghỉ

đêm đến thân gái ngọc ngà

 

lại chịu ba đời chúng nó dày vò

 

hết ông, con rồi đến cha

 

 

Nếu không có những đồng đô la

chúng tôi đổ mồ hôi

 

sôi nước mắt

 

gởi về

 

con cháu chúng tôi chắc phải cầm nhà

 

bán vườn

 

đút lót bọn cầm quyền

 

để trần truồng đứng xếp hàng

 

cho đảng cộng sản Việt Nam

 

gởi ra nước ngoài làm …đĩ

 

………

 

Bây giờ

 

gởi tiền về Việt Nam

 

mỗi trăm đô

 

chỉ tốn hai đô cước phí

 

 

Nhưng nếu đạo luật

 mà các anh đề nghị

 

được chấp thuận và ban hành

 

tiền chúng tôi

 

sẽ phải lén lút

 

chạy loanh quanh

 

trước khi về nước

 

 

Có thể dân Thái Lan, Kăm Pu Chia,

Hồng Kông, Trung Quốc

 

sẽ đứng trung gian chuyển ngân

 

sẽ tự ý ấn định mức hoa hồng

 

20, 50, 100 phần trăm

 

hoặc nhiều hơn nữa

 

 

Lúc ấy hàng triệu cơn thịnh nộ

sẽ đổ lên đầu các anh

 

dù tóc bạc trắng

 

hay mới hoa râm

 

mặc áo vest

 

thắt cà-vạt

 

bảng tên trước ngực

 

bằng nọ cấp kia

 

người ta sẽ chẳng ngại ngùng gì

 

mà không ném vào mặt các anh

 

cà chua trứng thối

 

 

Tôi không thích làm thơ

 “cho phải đạo”

 

lúc hoan hô

 

khi đả đảo

 

tiếng vui

 

tiếng buồn

 

lời ghét

 

lời thương

 

thay vì gõ cửa trái tim

 

lại dõi mắt đi tìm

 

cái nheo mắt

 

cái gật đầu

 

của những tai to mặt lớn

 

 

Tính tôi cà chớn

nên thường có những câu thơ gàn bướng

 

dở hơi

 

nếu lỡ làm các anh không vui

 

xin mở lòng đại lượng

 

 

Nhớ thuở còn chiến chinh

nếu không may ngã xuống hy sinh

 

ngoài vòng đai chi khu Đại Lộc

 

hay trên đường tiến quân lên Thường Đức

 

tôi, người lính nhảy dù Lữ Đoàn 1

 

nhắm mắt xuôi tay

 

vẫn mỉm cười

 

vì đã dâng hiến đời trai

 

bảo vệ lá cờ vàng ba sọc đỏ

 

bảo vệ miền nam tự do

 

có ngôi nhà xinh xinh nho nhỏ

 

ở Hốc Môn

 

mái ấm của những người tôi quý tôi thương

 

 

Bây giờ các anh nhìn xa trông rộng

soạn sách lược đấu tranh

 

hãy chỉ rõ mục tiêu

 

những người lính chúng tôi sẽ bắn

 

bắn thẳng vào đầu

 

những tên trùm cộng sản

 

nhưng đừng bắt chúng tôi

 

chĩa súng về phía cha mẹ anh em mình

 

“Mỗi người một chút hy sinh”

 

hy sinh kiểu đó…

 

công cuộc chống cộng sẽ đâu còn ý nghĩa

 

 

Các anh hô hào

“Đừng về Việt Nam!

 

Về Việt Nam là phản quốc!”

 

“Đừng gởi tiền về Việt Nam!

 

Gởi tiền về Việt Nam là phản quốc!”

 

 

Nghe lời các anh

chúng tôi

 

không những bất hiếu

 

bất nhân

 

mà còn vong ân

 

bội nghĩa

 

chúng tôi có phản quốc hay không?

 

lịch sử sẽ làm sáng tỏ

 

giữa thời buổi nhiễu nhương

 

luân lý suy đồi

 

chúng tôi chỉ cố sống sao

 

cho xứng đáng con người

 

 

Các anh đòi

 

Vận động để đạo luật cấm gửi tiền và du lịch Việt Nam

được ban hành

 

 

Ôi! Nếu quả thật đất nước mình

đã đến hồi mạt vận

 

đề nghị của các anh được chấp thuận

 

đường phố Việt Nam

 

sẽ sạch bóng Việt kiều

 

sẽ không còn những khuôn mặt

 

tự đắc hiu hiu

 

áo gấm về làng

 

vung tiền đô

 

mua của lạ

 

 

Nhưng cũng không còn những đứa con

thương cha mến mẹ

 

những người em

 

người chị

 

người anh

 

ăn ở có nghĩa

 

có tình

 

 

Những đám giỗ

đám ma

 

đám cưới

 

vắng những giọt nước mắt

 

mừng mừng tủi tủi

 

bà con dòng họ đoàn viên

 

người đi kẻ ở sẽ như Chức Nữ Ngưu Lang

 

suốt đời chia cách

 

bởi các anh đã phá sập cầu Ô Thước

 

 

Các anh có xem tấm hình

hai anh em người Hàn Quốc?

 

hơn 50 năm

 

kẻ Bắc người Nam

 

gặp nhau nước mắt tuôn trào

 

rồi chia tay nghẹn ngào

 

đau thương xé ruột

 

 

Nếu một mai cũng cảnh ấy

nhưng là hai người Việt

 

mặt mũi các anh sẽ để đâu?

 

con Lạc cháu Hồng sẽ nghìn đời sau

 

nguyền rủa

 

 

Khi đọc tin

những người dân miền Bắc

 

nghe lời đảng đấu tranh giai cấp

 

đem cả cha mẹ

 

anh chị em mình

 

ra đấu tố

 

 

Bà mẹ Củ Chi

đã “giết chết lời ru”

 

bóp mũi đứa con thơ

 

vì nó dại khờ lên tiếng khóc

 

dưới hầm bí mật

 

Và nghe ông Hồ Chí Minh

“Nếu cần phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn…”

 

các anh chép miệng

 

“Bọn họ có lý tưởng

 

nhưng thiếu một trái tim.”

 

 

Nếu quả thật

gia đình

 

họ hàng các anh

 

không còn ai ở Việt Nam

 

hoặc lắm bạc nhiều vàng

 

không cần tiếp tế

 

thì các anh

 

hơi giống mấy tay cò mồi gian trá

 

hô hào mọi người hy sinh

 

cắt tình máu mủ ruột thịt của mình

 

trong khi chính các anh

 

hy sinh mấy giọt nước miếng

 

 

Nếu các anh

thật còn họ hàng thân quyến

 

nghèo khổ ở Việt Nam

 

mà vẫn can đảm

 

dõng dạc

 

đàng hoàng

 

đọc bản tuyên bố

 

thì với các anh

 

chúng tôi vừa nể phục

 

nhưng cũng vừa ghê sợ

 

các anh chê “họ thiếu một trái tim”

 

còn các anh

 

tuy có tim

 

nhưng xơ cứng

 

nên thiếu lòng nhân ái?

 

 

Một thời hết mình chống cộng

tôi biết cái thiên đường

 

mà những người cộng sản cố công tạo lập

 

chỉ là địa ngục

 

không có chỗ

 

cho phẩm giá của con người

 

đọc lời kêu gọi của các anh

 

tôi bỗng nực cười

 

các anh chống cộng sản

 

nhưng không khéo

 

chính các anh đang trở thành người cộng sản

 

 

Chế độ cộng sản

độc đảng

 

độc tài

 

đẻ ra thối nát bất công

 

đẩy người dân đến bước đường cùng

 

muốn sống còn

 

phải mánh mung

 

chữ dối

 

chữ gian

 

hằn trên khuôn mặt

 

mỗi hành động

 

phải tính toan

 

lường gạt

 

và phải quên đi

 

mình cũng có một linh hồn

 

 

Đáng sợ và đáng buồn

không phải

 

tại có quá nhiều người phạm tội

 

mà vì

 

những người tạo ra tội lỗi

 

lại rất thản nhiên

 

vui vẻ tươi cười

 

“Cơ chế mình nó thế!”

 

“Chế độ mình nó thế!”

 

 

Riêng tôi

mười mấy năm bị hành hạ đọa đày

 

cha chết tủi hờn

 

đàn em mất hết tương lai

 

gia đình tan nát

 

 

Đã đôi lúc đau thương chất ngất

muốn “đạp lên xác Lê Duẩn, Trường Chinh”

 

muốn “về giữa Ba Đình

 

bằm thi thể Hồ Chí Minh bắn ra đông hải” (2)

 

 

Giờ đây

phương thuốc thời gian

 

đã giúp lòng dịu lại

 

mắt tôi

 

không còn như ngày xưa

 

rực lửa căm thù

 

nhưng di hại của chế độ công sản trên quê hương

 

làm sao tôi quên được?

 

 

Tôi biết các anh

cũng nặng lòng với nòi giống Việt

 

muốn mau mau thay đổi màu cờ

 

để làn gió dân chủ tự do

 

thổi mát những khuôn mặt

 

đang cằn khô héo úa

 

 

Nhưng vì nôn nóng các anh sơ hở

phương sách của các anh

 

lý chưa đủ thuyết phục

 

lại thiếu hẳn một chữ tình

 

thấy bất bình

 

nên tôi có vài lời tâm sự

 

 

Giờ này nhiều người Việt Nam đang mơ

các sĩ phu yêu nước

 

mơ thấy quân Tàu dừng bước

 

xâm lăng

 

trước quân dân ta trên dưới một lòng

 

hừng hực khí thế Hội Nghị Diên Hồng

 

nơi biên ải

 

 

Những cô gái

tuổi xuân phơi phới

 

vì hiếu nghĩa với gia đình

 

đang dự định bóp nát trái tim

 

chít khăn tang

 

cho mối tình đầu thơ mộng

 

bán mình đến một phương trời xa thẳm

 

như Thúy Kiều

 

mơ thấy đang nằm trong vòng tay người yêu

 

ngập tràn hạnh phúc

 

 

Những nhà thơ

nhà văn

 

xưa muốn yên thân

 

nên biết hèn

 

biết sợ (3)

 

lấm lét nhìn lưỡi dao lơ lửng trên đầu

 

bóp chết lòng tự hào

 

âm thầm nuốt nhục

 

bởi mỗi câu thơ

 

câu văn

 

đâu còn là nhịp đập

 

của trái tim

 

mơ thấy mình

 

như những cánh chim

 

cầm bút bay cao

 

giữa trời lộng gió

 

……….

 

Tôi cũng đang thả hồn vào một giấc mơ

 

mơ thấy mình đang ngủ say sưa

 

dưới gốc dừa

 

bên bờ một dòng sông quê hương

 

tỉnh dậy thấy làng xóm

 

phố phường

 

không còn nữa

 

bóng dáng lá cờ đỏ sao vàng

 

Người đi

 

kẻ lại

 

nói cười vui vẻ

 

mặt mày rạng rỡ

 

trong nắng sáng chan hòa

 

dường như mỗi người

 

đều đã có ít nhất một ước mơ

 

thành hiện thực

 

 

 

Chú thích:

 

(1) Cửa hàng bán quần áo cũ

 

(2) Thơ Phạm Đức Nhì

 

(3) Ý của nhà văn Nguyễn Tuân

 

Bài thơ dài 2858 chữ

 

 

 

 

 

Viết xong tháng 10 năm 2012 tại San Leon, Texas.

 

Nếu có ý kiến, phê bình xin e-mail về nhidpham@gmail.com.

 

Tác giả thành thật cảm ơn.

 

 

NHỮNG  TRAO  ĐỔI  VỚI  ĐỘC  GIẢ VỀ BÀI THƠ MỘT CHÚT TÂM TÌNH

 

 

Anh Minh,

Một Chút Tâm Tình (tôi mới làm) là bài thơ Lưỡng Đầu Thọ Địch.

Những người cộng sản thì ghét cay ghét đắng, còn những người

chống cộng (cực đoan) ở bên này thì cũng lên tiếng chỉ trích.

Tôi đã gởi cho Đinh Xuân Tục. Còn anh, thấy hơi ngại. Hôm nay đã

hơi rảnh rang, nghĩ đến anh, muốn chia sẻ một chút tâm tình của

người phía bên này. Mong anh đọc với tấm lòng rộng mở.

Thân tình

Phạm Đức Nhì

 

 

Anh Nhì.

Rất vui khi được anh chia sẻ về những tâm tư của mình. Nói chung tôi có những đồng cảm với anh. Tôi cũng như anh đều hiểu: Chúng ta được sinh ra bởi bố mẹ mình, có quan hệ huyết thống bền vững là Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu... đến cộng đồng người Việt chúng ta. Người ít học nhất cũng cũng hiểu được lễ giáo đó. Cho nên rất ít người đã quên điều đó.

 

Tổ quốc là trên hết. Dân tộc mãi mãi trường tồn. Chỉ có thể chế chính trị là nhất thời. Tôi cũng muốn có một điều gì được thay đổi căn bản theo hướng tích cực. Nhưng không cho phép nhuốm mùi súng đạn. Dân mình bao đời nay quá khổ rồi. Đau thương, tang tóc, chia li thù hận, đói nghèo...

Tạm mấy lời bày tỏ với anh. Chúc anh chị mạnh khỏe, hạnh phúc.

Có gì hay tiếp tục chia sẻ với tôi nhé.

Thân

VM (Nhà văn ở Hà Nội)

 

MỘT BÀI THƠ TOÀN BÍCH

Giọng thơ tự tin, bộc trực và thẳng thắn về một đề tài nhạy cảm. Dẫn chứng hùng hồn, đầy chất phản biện. Tầm khái quát cao từ kiến thức rộng... Bởi vậy bài thơ có sức thuyết phục dù cho đọc giả là thành phần, đối tượng nào. Bảo vệ điều đúng, phản bác cái sai, phải bằng phản biện và lý luận chặt chẽ, lộ jch đó là chức năng và bổn phận của các bậc học giả, trí giả, mới lôi cuốn được đọc giả đồng tình với quan điểm của tác giả.

 

Đây cũng là sự khác biệt giữa trí thức với mấy con mẹ bán cá, bán thịt chuyên vỗ thúng, đập mẹt chửi bới nhau ở chốn chợ quê!

Chúc mừng nhà thơ có một thi phẩm hay mà tôi được đọc.

Chân thành cảm ơn

Thân mến

 

TAĐ (Nhà thơ Hải Phòng)

 

 

 

Thực tình tôi không muốn lên tiếng phê phán khen chê, vì mỗi cá nhân đều có một quan điểm riêng, một nhận định riêng. Tuy nhiên tôi phải nói thế này:


ĐÁM NGƯỜI NHANH CHÂN CHẠY TRƯỚC , ăn welfare, ở housing , nhận food stamps ...rồi xách đít đến trường, lấy được mảnh bằng BS, MS đó ... họ biết gì về nỗi khổ cuả toàn dân Việt Nam dưới ách cộng sản Việt từ sau 1975 cho đến nay?


Tôi chỉ là một thằng tù ít học, thêm vì ngu và chậm chân, nên đành phải im nghe các vị tiến sĩ, thạc sĩ dậy khôn vậy!


Khỏi cần khen Phạm Đức Nhì hơn nữa ... Hắn đã hay từ lâu rồi.
Nhưng có điều, liệu những gì hắn nêu ra có làm thay đổi được cách suy nghĩ cuả một thằng đỉnh cao trí tuệ nào không? hay chỉ làm cho anh em thêm ngậm ngùi cay đắng?


Tôi cũng có gửi tiền về VN đó. Tôi cũng có về thăm lại VN đó ...
Chẳng qua Phạm Đức Nhì đã nói lên những gì đa số chúng ta (những người tù lương tâm) phải làm, vì chúng ta còn có lương tâm, còn nặng tình cảm gia đình, còn biết giữ chữ tín, còn nặng nợ ân tình ...


PĐN đã viết giùm những gì anh em chúng ta muốn nêu ra nhưng không có khả năng trình bày hay như vậy.
Cám ơn Phạm Đức Nhì

NK (Một bạn tù)

 

 

Kính anh Nhì,

Tôi chưa bao giờ đọc được một bài viết về Việt Nam và Việt Cộng hay như vậy.

Mà lại là thơ mới lạ chứ. Thật đáng mừng là người Việt còn có người có suy nghĩ

và cảm xúc như anh. Tôi xin cúi đầu bái phục. Tôi cũng từng phục vụ ở Sư Đoàn

2 BB và đã ở tuổi 70. Nếu có bài nào hay nhớ gởi cho tôi với nhé.

T Thinh (Một người đọc không quen)

 

 

Kính Anh Nhì,


Đọc bài thơ anh mà nước mắt tôi ràn rụa vì ít ra cũng còn có người cùng cảm
thông với tôi nhưng can đảm hơn, đã dám lên tiếng tranh cãi với những người

cực đoan không có trái tim xót thương gia đình, bè bạn đã chia sẻ với mình và giúp mình qua được những gian truân thử thách của những năm sau 1975.


Là một sĩ quan hải quân nhưng tôi cũng vì nặng gánh gia đình mà ở lại để
rồi qua những năm tháng tù đầy đi vượt biên không đem theo được đầy đủ gia đình. Mặc cho người quen mỉa mai, mặc cho chiến hữu chê cười, tôi về thăm Mẹ nhiều lần cho đến khi Mẹ mất. Mặc cho ai đó nói ra nói vào, tôi giúp cho nhiều đứa cháu học đến nơi đến chốn chỉ vì sợ chúng nó phải làm đĩ nuôi thân.


Bây giờ các cháu rất mến trọng và quý tôi trong khi tôi tự hào các cháu đã
cố gắng học hỏi để có ngày thành công như hôm nay.


Tôi tự hào đã đem đồng tiền về giúp các cháu, dù biết có thể số tiền đó làm
túi tiền đám cán bộ nặng thêm. Tôi tự hào đã mua vé máy bay nhiều lần về thăm Mẹ làm giàu cho cộng sản nhưng Mẹ mất đi trong niềm hạnh phúc vì có được thằng con bên cạnh lúc sắp lâm chung.


Cảm ơn anh đã can đảm nói lên sự thực cho những người như tôi. Anh mới đúng
là người hùng của QLVNCH.
Hải Quân PTQ (Một người đọc không quen)

 

Ba giờ sáng, ngủ không được, ngồi dậy bật máy làm việc. Mở hộp thư, có người bạn chuyển cho xem “Một Chút Tâm Tình”. Đọc xong, đôi mắt ngái ngủ (dù ngủ không được) ráo hoảnh.

 

Là người đến Mỹ theo diện HO (vì không có tiền vượt biên), khi lên máy bay rồi vẫn còn món nợ khoản tiền dịch vụ lo giấy tờ xuất cảnh để lại quê nhà. Nợ tiền rồi thì cũng trả được, chỉ có sớm hay muộn mà thôi. Còn món nợ ân tình, với gia đình, người thân, với làng xóm, với những bát cơm Phiếu Mẫu, biết bao giờ trả cho trọn, cho đủ, cho đầy.

 

Vì thế, đọc “Một Chút Tâm Tình” mà lòng dạ xốn xang. Cũng chính bởi cái xốn xang ấy, đành phá lệ mà cho “đi”  bài thơ của Phạm Đức Nhì, một người thơ chưa biết, chưa quen; nói nôm na là một hình thức “chôm” bài . Bài thơ dài mà đọc xong vẫn có cảm tưởng như chưa đủ, chưa đã.

 

Chỗ ngứa trên da thịt, được gãi đúng, cái cảm giác khoái chỉ một. Chỗ ngứa ở trong lòng, cảm giác khoái khi được gãi đúng lớn hơn cả trăm lần.

Trong số những người đọc, chắc sẽ có hơn một người cùng nhận xét như thế.

 

T.V (Một người đọc chưa quen)

 

Thưa anh T. Vấn,

Tình cờ đọc được bài thơ của mình trên trang web T-Vấn và bạn hữu, thấy Lời Giới Thiệu hay hay nên gởi vài chữ đến anh, trước là làm quen, sau là xin phép được trích Lời Giới Thiệu cho phần Bình Phẩm của bài thơ.

 

Nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp thì thơ của tôi theo phe "Khí Tông" nghĩa là chú trọng đến "dòng chảy của cảm xúc" chứ không để hết tâm hồn vào việc o bế câu chữ như phe "Kiếm Tông"

 

Cám ơn anh đã đọc và thích bài thơ. Tôi đã nhận được một số ý kiến phản hồi nhưng phần lớn bày tỏ quan điểm, thái độ, lập trường đối với vấn đề được nêu trong bài thơ. Chỉ có vài lời bình phẩm đụng chạm đến chỗ mà tác giả muốn được đụng chạm nhất : giá trị nghệ thuật của bài thơ (dù khen hay chê).

 

Xin phép được gởi đến anh một bài thơ khác. Đọc xong xin cho vài "lời bàn của Mao Tôn Cương". Thơ là cảm xúc đi tìm một đồng cảm (Nguyễn Hưng Quốc).

 

Có được vài người đọc như anh cũng đáng công (và thời gian) viết bài thơ.

Xin chào và chúc anh vui khỏe.

Phạm Đức Nhì

 

Thưa anh Phạm Đức Nhì,

Nhận được thư của anh, tôi biết mình mắc hai lỗi với anh.

Lỗi thứ nhất, đăng thơ anh trên trang Web của mình mà không xin phép, chưa xin phép, dù định bụng sẽ tìm địa chỉ của anh để vừa tạ lỗi, vừa làm quen.

 

Lỗi thứ hai, chậm trễ liên lạc với anh để rồi chính anh lại viết thư làm quen trước

 

Vậy thì, xin anh tha lỗi. Tôi cũng được biết, anh và tôi cùng một lứa tuổi, cùng một thế hệ nên có cùng số phận giống nhau. Hơn thế nữa, cùng những suy nghĩ về những vấn đề thiết thân của thế hệ chúng ta. Do đó, lời xin lỗi cũng là một cách làm quen.

 

Đọc bài thơ “Một Chút Tâm Tình” xong, tôi đã bỏ khá nhiều thì giờ tìm hiểu và đọc thêm khá nhiều những bài thơ khác của anh. Điều đó có nghĩa là anh đã chinh phục được tôi, ít nhất là ở ấn tượng ban đầu.

 

Điều đó cũng có nghĩa anh đã đạt được phần nào mục đích của mình khi đặt bút viết những dòng tâm tư của mình.

 

Thế hệ chúng ta chứng kiến nhiều người viết . . . không chuyên nghiệp. Có lẽ chúng ta có quá nhiều điều cần nói, trước khi thế hệ chúng ta đi vào bóng tối của lãng quên.

 

Nhưng không phải ai cũng nói được và không phải ai cũng khiến người khác phải đứng lại lắng nghe. Theo tôi, anh là một trong số người hiếm hoi làm được công việc đó.

 

 Thơ, cũng như những lọai hình nghệ thuật khác, dưới hình thức ngôn ngữ, phải có cảm xúc trước khi nói đến khả năng chuyên chở cảm xúc ấy đến người đọc. Hơn các lọai hình nghệ thuật khác, thơ phải có khả năng cô đọng. Cái khó ấy cũng là thế mạnh của thơ.

 

Tôi nhận thấy rằng, giữa hàng trăm người làm thơ (mà tôi được đọc, biết) anh đứng riêng một chỗ và khiến người ta phải chú ý. Đó là chưa kể đến đề tài anh lựa chọn, và cả ngôn ngữ anh chọn cho một đề tài. Chẳng hạn như bài thơ “Có một dòng sông như thế và sắc bén hơn nữa, bài “ Một Chút Tâm Tình”.

 

Tôi cũng đã đọc mấy bài thơ của anh nói về tình yêu, về cặc, lồn. Khá táo bạo (chẳng phải theo nghĩa đạo đức) ở cách thể hiện đề tài qua ngôn ngữ rất không . . . thơ.

 

Tôi không làm công việc phê bình văn học khi viết những dòng này. Chỉ là những nhận xét ròng về vài bài thơ vừa đọc được. Mục đích cũng còn là mời anh tham gia trang Web T.Vấn & bạn Hữu. Trang của chúng tôi không mở ra cho độc giả viết (gởi bài) như những trang văn học khác. Tác giả có mặt thường là bạn hữu của người thực hiện hoặc do lời mời của người thực hiện.

 

Độc giả của chúng tôi có một nửa sinh sống ở trong nước. Tôi tin rằng độc giả của TV&BH là những độc giả nghiêm túc, thực sự cầu thị. Bằng hình thức văn chương, chúng tôi cũng cố gắng thu hẹp lại dòng sông Bến Hải trong lòng người hiện nay.

 

Xin mời anh Phạm Đức Nhì bỏ thì giờ đọc qua nội dung trang TV&BH, và nếu anh thấy phù hợp, chúng tôi rất hân hạnh được anh cho phép gọi là bằng hữu.

 

Tình thân,

T.Vấn



Anh Nhì thân;

Anh đang ngứa ngáy mà gửi bài thơ này ra thì sẽ được gãi đúng chỗ ngứa.

 

Bao vây tứ phía như Bắc Hàn nó cũng chưa xụp, mà đổ tiền nuôi béo kinh tế như Trung Cộng cũng chẳng thấy thay đổi thể chế Mao Trạch Đông.

 

Dù có rào đón kỹ lưỡng nhưng chủ đích của bài thơ cũng vẫn bị cho lạc vận trong cao trào đấu tranh dưới mọi hình thức mà người Việt lưu vong đang vận động.

 

Cho nên thuận theo trào lưu thì được coi là có tinh thần yêu nước thương nòi, còn nghịch lại thì sẽ bị ... phang cho tối tăm mày mặt, chưa kể là sẽ còn bị đội cho cái nón cối và khoác lên chiếc áo "đại cán".

 

Bài thơ bị hơi "dài dòng kể lể". Nếu có thể bớt phần "kể lể" và thêm phần kỹ thuật thì bài thơ sẽ "nên thơ", sẽ tăng phần thuyết phục, sẽ giúp cho việc chuyển tải nôi dung, dù nội dung chỉ được "mặt trận tổ quốc" hoan nghênh, còn toàn thể đồng bào hải ngoại bài xích (dù rằng họ vẫn âm thầm thi nhau về VN và gửi hàng tỷ đô la về nước mỗi năm)

 

Thân mến;

TM (Bạn chung trường ngày xưa)

 

 

Bạn tôi,
Từ hôm nhận bài thơ của bạn đến nay cũng khá lâu nhưng không có dịp phản hồi. Đã thấy 2 missed calls của bạn nữa vẫn chưa có dịp gọi lại. Thật tình tôi không biết bày tỏ với bạn ra sao cho đúng tấm lòng của tôi và cho vừa lòng bạn. Tôi xin xác nhận rất quý mến bạn và biết bạn quý mến tôi nên đã chia sẻ với nhau như những phần tâm tình. Rất cám ơn tình cảm của bạn.

Bây giờ thì tạm lắng đọng để viết vài hàng gửi bạn ta. XIN LỖI BẠN TÔI về sự chậm trễ.

Về bài viết và cũng là phản ảnh tấm lòng của bạn.
Khi tôi vừa đọc xong vài ba bận thì thấy trên vài diễn đàn đã xuất hiện bài thơ này của anh. Có vài người bạn biết tôi và đã đọc bài thơ của bạn được chuyển qua email riêng hỏi ý kiến tôi và tôi trả lời qua quít, trung dung.

Tôi cho rằng bài viết rất trung thật, rất lính, rất ND (nhảy dù) và rất là nghệ sĩ tính và đặc biệt chứng tỏ cái nhân bản cần có của một người yêu nước, yêu dân chân thực. Bạn nói thay cho số khá đông người.


Tuy nhiên, ở đời đôi khi sự thẳng thắn thái quá cũng khó tìm được sự hài hòa với mọi người, mọi giới. Có những sự thật khi bị lột trần truồng sẽ tạo phản cảm nhiều hơn là đồng điệu. Tôi tin rằng, trong thâm tâm đa số người đọc bài viết của bạn đều cảm nhận như tấm lòng tôi và chọn thái độ như tôi: Không phản đối nội dung nhưng không hài lòng về sự biểu tỏ thái độ quá nặng nề.

Tôi nghĩ  bạn nên tìm hiểu nhiều hơn về anh Nguyễn Văn Lương. Anh ta ngoài kiến thức, học vị academic còn là một nghệ sĩ đúng nghĩa: Thơ hay, nhạc khá, chân tình và hết lòng với anh em. Đặc biệt rất nhiệt tình với quê hương đất nước. Dù vậy tôi không đứng về bên nào khi đọc bài bạn viết cũng như phản ảnh cho bạn ở đây.

Yêu nước. Có nhiều cách, nhiều đường. Yêu đồng bào cũng như vậy. Mỗi người mỗi cách. Chúng ta đã may mắn sống trong một đất nước tự do, ai cũng có trọn quyền bày tỏ quan điểm của mình. Người ta phản đối nhau được xem là chuyện thường tình chỉ có khác là cách hành xử.

Dù gì đi nữa, tôi hiểu là chúng ta cùng chiến tuyến. Đã một thời cùng quyết chí hy sinh thân mình cho quê hương, mong đem lại sự bình yên cho đồng bào miền Nam. Tôi cũng như bạn không thể nào chấp nhận sự bạo tàn của những người cộng sản từ đó đến nay. Không chấp nhận một chế độ hèn với giặc, ác với dân như thế.

Chuyện của bạn và anh Nguyễn Văn Lương không phải là mới mà xảy ra rất nhiều lần, nhiều nơi, nhiều năm qua. Cứ lấy một thí dụ điển hình: Một người có thân nhân bị ở tù dưới sự quản trị nghiệt ngã của cai tù. Thân nhân muốn tiếp tế thì biết rằng người thân của minh chỉ được hưởng một phần rất nhỏ, còn lại bao nhiêu đều vào túi tham của cai tù.

 

Câu hỏi được đặt ra là "thà để thân nhân thiếu thốn (có thể chết đói) còn hơn là nhắm mắt nuôi cho cai tù bổ béo hơn để hành hạ thân nhân mình, thân nhân người khác?" Câu trả lời rất tùy thuộc vào độ lượng và tấm lòng của mỗi người phải không bạn?

Mong sự phản hồi của tôi không làm sụt giảm tình bạn giữa chúng ta.
Tình thân,
TNT (Bạn văn chương)

 

Anh bạn tôi đặt ra câu hỏi (chữ đỏ) là đã tự có câu trả lời.

Ôi! Một sĩ quan không quân, một người làm thơ và viết văn mà có suy nghĩ như thế thì quả là rất lạ. 

PĐNhì

 

 

"Một chút tâm tình"
Thấu tận tâm can,
Ngập lòng cay đắng!
Cám ơn anh Phạm Đức Nhì
Bài thơ hay lắm!
Thân mến,
Phạm Khắc Trung (Bạn văn chương)

 

 

Pham Nhì mến!
Tình cờ người bạn chuyển mấy bài thơ của bạn về việc gửi tiền và về VN, tôi thấy giống tâm trạng và nhận xét của tôi.Tôi vượt biên 80 và định cư tại Florida 81, cũng từng tham gia các tổ chức kháng chiến...cuối cùng thì chỉ sinh hoạt cộng đồng sơ sơ thôi.

 

Đa số các thầy toàn nói dóc không chứ đâu có làm. Làm theo mấy ông nội thì cộng sản chưa chết mà bà con dòng họ mình theo ông bà hết rồi. Riêng gia đình mấy chả thì sống phè phỡn ở đây.

 

Cảm phục bạn viết mấy dòng thơ can đảm, thẳng thắn.
Chào bạn

 ĐĐ (Một người đọc không quen)

 

 

 Nhì thân,

Tôi không biết cái nhà ông Tiến Sĩ này có đào ngũ theo địch quân trước ngày 30-4 hay không, nhưng tôi dám chắc là ông này chưa một ngày tù nào, chưa một ngày sống ở Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản cho nên ông huênh hoang phét lác.

 

Ông đếch biệt được rằng bà con của ông, đồng bào của ông từng lê la chờ đợi hàng ngày trời trước Cosevina để lãnh thùng quà do thân nhân từ Mỹ gởi về, không dám ăn, đem đi bán lấy tiền rau cháo hàng ngày. Ông cũng không thông cảm được với những người bây giờ đã nhà cao cửa rộng ở Mỹ, nhưng 20 năm trước đây hàng tháng mỏi mắt trông đợi người đưa tiền gởi từ Mỹ đến nhà.

 

Những ông từ Nguyễn Văn Thiệu trở xuống đến những ông tiến sĩ, cao học lãnh đạo các bộ thời VNCH chỉ ăn hại đái nát, làm cho chế độ sụp đổ rồi bỏ chạy khiến cho hàng bao nhiêu triệu dân Việt Nam phải sống trong khổ nhục, chưa biết xấu hổ lại còn nói phét, huênh hoang cái lỗ miệng.

 

Nhờ ông tiến sĩ một tí. Ông ngon xin về Việt Nam tranh đấu để chúng bắt vào tù vài năm cho biết đá biết vàng để bớt huênh hoang đi. Tôi là thằng tù cải tạo 13, 14 năm trong tù, đến khi ra trại phải đi đạp xích lô, cưa ván sàn để sống, ngóng cổ xem có người nào gởi tiền từ Mỹ về giúp không, nhưng tuyệt nhiên không, vì thân nhân, anh em ruột thịt đi tù ráo, đếch có người nào nhanh chân chạy sang Mỹ trước hay có tiền vươt biển!!!!!

Nhì thân,

Bài thơ thật. Tôi thật sư xúc động vì nó thật, nó rất người, rất tình người, mô tả được cái khổ, cái nhục mất nước. Tại sao thân nhân chúng ta ở trong nước và bà con ruột thịt, bạn bè chúng ta ở nước ngoài phải gởi tiền về giúp gia đình, giúp thân nhân trong bấy lâu nay? Xin ông tiến sĩ Lương nghĩ lại để lần sau đừng huênh hoang chính chị, chính em với một trái tim lạnh lẽo như lời kêu gọi của ông. Xin đừng!

VŨ ÁNH (Một bạn tù, nhà báo)

 

 

 

Chú Nhì,

Anh đang bận viết một bài về họ Phạm và một bài nhận xét về cuốn tiểu thuyết lịch sử "Mưa trên Tân Sơn Nhất " của một người bạn, nhưng chú đã có lời yêu cầu anh cũng xin trình bày vắn tắt quan điểm của anh về "Chiến dịch Xiết- kiều- hối" và bài thơ cảm ứng của chú.


Trước hết, anh tán đồng quan điểm của chú. Về hình thức bài thơ là một lời trần tình nhân bản, đủ dài và đủ lẽ để biện minh thái độ chính đáng của mình. Lời thơ chững chạc, phải chăng anh không có gì đóng góp thêm.


Anh chỉ muốn nhấn mạnh hai điểm:


1) Người hô hào và kẻ đáp ứng không cùng một hoàn cảnh như chú đã nhận định. Đây không phải là lần đầu mà đã lập lại nhiều lần không hiệu qủa vì không được sự đồng thuận của đa số những người có thân nhân còn kẹt
ở quê nhà. Một nhận định ích kỷ, thiếu suy xét và không thực tế!


2) Xưa kia các cụ ta thường dạy: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Thân không có lòng nhân ái, với gia đình chưa làm tròn bổn phận cha anh, thì làm sao đủ tư cách để lo việc nước, nói chi đến bình thiên hạ!


Người Mỹ họ thực tế và nhân bản hơn chúng ta nhiều. Nếu họ cũng tàn bạo như quan điểm nông cạn của một số người thì chắc chắn anh em mình không có mặt trện xứ sở này để nói chuyện đô la.

 

Đúng như chú nói chỉ những kẻ không tim, không óc tương tự như tụi CS mới xúi người ta thành mẹ Củ Chi, mẹ liệt sỹ. Không có cha mẹ, anh em sao có ta? Không
có ta thì nói gì đến có nước? Những kẻ nào đi ngược lại tiến trình nhân bản này, chắc chắn phải trả giá ở mặt này, mặt khác, lúc này hay lúc khác.
P. Kh. (Anh họ)

 

 

 

 

Cậu Nhì yêu quí!

 

Cháu phải xin lỗi cậu vì đã không kịp trả lời cậu để cậu ấm lòng trước những dư luận trái chiều.Thơ của cậu cháu không đủ kiến thức để bình xét như các chú các bác, nhưng cháu cảm nhận bằng tình người. Bài thơ rất thật, rất đời, lý luận chặt chẽ, chứng cứ rõ ràng thuyết phục. Nhiều đoạn, thú thực cháu phải cảm thấy xấu hổ trước kiến thức sâu rộng, cách nhìn nhận sự việc có lý có tình như vậy.

 

Cháu ở VN, cháu cũng không cổ vũ việc sống ỷ lại vào trợ cấp của người khác, nhưng đối với anh em họ hàng ruột thịt, người Việt mình vẫn luôn làm vậy. Có thể những người hô hào không gửi tiền về VN vì họ ở hoàn cảnh khác cậu và khác phần đông những người Việt xa xứ.

 

Cháu ủng hộ cậu, và mong tiếp tục nhận được những bài thơ hay, bài viết hay như vậy!
Cháu chúc cậu luôn vui!

 

ĐTH (cháu họ, ở bắc VN)

 

 

Anh thân mến,

 

ALD đã đọc bài thơ của anh. Các nhà tư tưởng rất giỏi về lý thuyết đã đem con người làm vật thử nghiệm cho chủ nghĩa của mình nên đã gây tai họa lớn cho loài người.

 

Chúng ta đã thấy Marx, Angel, Hitler, Mao, Lenin, Stalin…theo đuổi cái lý tưởng điên rồ của họ khiến hàng tỷ người vô tội cùng cực, khổ đau- có nơi từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lời hô hào của Tiến Sĩ Lương chỉ chứng tỏ ông ta là loại Tiến Sĩ vừa Ngu Dốt vừa Bất Nhân.

 

Tuy hoàn cảnh khác nhau, sống ở hai xã hội khác nhau nhưng anh với em – em nói không chút ngượng ngùng – là những người yêu nước bằng tất cả trái tim mình. Như anh biết, ngoài những lúc, những nơi cần thiết phải dùng cái họ Hoàng trong CMNN, em đã chọn cho mình một họ mới: Âu Lạc.

 

Vài lời chia sẻ với anh. Chúc anh có nhiều bài thơ mới đánh thức những trái tim xơ cứng.

ALD kính thư.

 

(ALD, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, Hải Phòng)

 

 

 

Chào ông Nhì

 

Hoan hô bài thơ. Ông đã nói hết những điều mà những người có nhu cầu gởi tiền về Việt Nam muốn nói.

 

Tôi có bà mẹ già nằm liệt giường cần người chăm sóc, ăn uống, và thuốc men. 50 đô/một tháng làm sao đủ. Không đủ tiền thì mẹ tôi chết. Bảo tôi đừng gởi tiền về thì ai mang tội này cho tôi. Mấy người đó gọi những người gởi tiền vê VN là kẻ phản quốc. Họ mới là kẻ vừa đui, vừa ngu, vừa ác, vừa chai đá lương tâm làm người.

 

Miền Bắc trước 1975 sống dưới chế độ xhcn bao nhiêu năm không có tiền của Việt kiều mà có sập đâu, chỉ khổ người dân thôi. Làm chính trị mà đầu óc nhỏ như hạt tiêu, tầm nhìn ngắn như cây tăm thì đi chết đi còn hay hơn.

 

Một lần nữa hoan hô tác giả và bài thơ Một Chút Tâm Tình.

 

HPV (một người đọc không quen)

 

 

Bạn Nhì thân mến,

 

Hơn một năm qua kể từ ngày chúng ta chia tay nhau sau lần họp mặt A20 2011, mặc dầu không nói chuyện với nhau, không gọi điện thoại, nhưng tôi vẫn “theo bước anh đi”.

 

Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Chúng ta còn rất nhiều liên hệ với đất nước Việt Nam. Không ai có thể phủ nhận điều đó mặc dầu rất phũ phàng. Bên cạnh thương yêu là…thù hận, bên cạnh ngọt ngào là…đắng cay. Chỉ có những người như tên Tiến Sĩ chó chết mới có thể phủi tay, lạnh nhạt trước tình anh em, nghĩa đồng bào.

 

Chủ nghĩa này hay chủ nghĩa nọ rồi thời gian sẽ xóa nhòa. Nhưng tình mẹ, tình cha, tình anh em, tình quê hương đất nước sẽ mãi mãi trường tồn. Chúng ta đi mang theo cả quê hương. Hình bóng mẹ, hình bóng cha, hình bóng anh chị em, hình bóng những người thương yêu vẫn ấp ủ trong trái tim ta.

 

Gửi anh, người bạn thân mến của tôi, những lời tâm sự. Chúng ta ghét cộng sản. Đó là một mặc nhiên, không thể chối cãi. Nó rõ ràng như 2+2=4. Nhưng không phải vì thế mà phủi bỏ mối liên hệ gia đình, huyết thống, họ hàng. Chúng ta còn sống đây, còn chiến đấu hôm nay cũng bởi vì những mối liên hệ đó. Vì mẹ, vì em, vì quê hương, đất nước.

 

Chúng ta ra đi vẫn còn ngoảnh lại. Đằng sau thấp thoáng bóng dáng mẹ già nhìn theo; chỉ mong con và đàn cháu thơ dại được yên ấm nơi quê người. Chúng ta đi vẫn còn ấp ủ trong tim biết bao thương yêu, trìu mến của một thuở thơ ngây, trong trắng. Ở nơi chốn xa xôi, nghèo nàn đó là cả một trời yêu thương. Biết bao nhiêu hình bóng, bao nhiêu gửi gấm, bao nhiêu tâm sự…còn chôn kín. Chỉ vì tụi cộng sản gian ác mà chúng ta phải tạm thời lìa xa. Tôi vẫn theo bước anh đi, Nhì thân mến, ông bạn tù của tôi.

 

PVH (Bạn tù)

 

 

 

 

 

 

 

Anh Nhì kính mến:

Tôi cảm thấy thật may mắn khi đọc được bài thơ:"Một Chút Tâm Tình." mà anh đã làm để trả lời Ông Tiến Sĩ, nhà chính trị Salon khoa bảng, người đã đưa ra cái gọi là chiến dịch xiết kiều hối. Tôi cảm thấy vui vui khi biết rằng trong số những người tỵ nạn hải ngọai, ít ra cũng còn có những người có tâm huyết, có lòng yêu quê hương và nhân bản như anh.

 

 Mặc dầu chưa biết anh bao giờ nhưng khi đọc qua bài thơ, tôi tin rằng anh là người từng trải, nhiều kinh nghiệm, khôn ngoan và trí thức. Ở hải ngoại, đặc biệt là ở Mỹ, kẻ học thức khá đông nhưng người trí thức chỉ đếm được trên đầu ngón tay!

Mong chúng ta có ngày gặp nhau.

Thân kính,

TPT
Boston, MA

 

 

 

 

 

Bài thơ cảm động quá anh Nhì ơi! TN đọc mà rơi nước mắt vì nó hoàn toàn đúng với sự suy nghĩ của TN từ lâu.


Khi vợ chồng TN mới qua Mỹ cũng đã nghe nhiều người nói tương tự. Vì họ qua đây "cả họ", không cần thiết phải lo cho "trực hệ"; còn hoàn cảnh TN lúc ấy không những còn tứ thân phụ mẫu (mà là...lục thân phụ mẫu nữa kìa! Chắc anh hiểu rồi há?!) vẫn còn sống. Sao đành lòng làm ngơ khi các cụ đều đã ngoài thất thập?!

 

Cho nên vợ chồng TN cứ bò ra đi làm và vun vén gửi về VN - dù biết chỉ là "muối bỏ bể" vì mình chả lo được bao nhiêu...

Giờ đọc được bài thơ của anh TN thích lắm (sẽ fw cho...cả nước để các bạn hiểu

mình hơn). Cám ơn anh nhiều & chúc anh chị luôn an mạnh (Nhớ sang năm về Họp Mặt 60 năm đấy anh nhé!)

 

Tuyết Nga (bạn chung trường)

 

Nói về Thơ Phạm Đức Nhì.

Tôi đã được đọc khá nhiều thơ Phạm Đức Nhì (PĐN) viết dưới nhiều dạng và chủ đề khác nhau.


Bài thơ này theo người chuyển, tuy PĐN không cho tựa đề bài thơ, nhưng người chuyển đã mạn phép tác giả cho tựa đề theo cảm xúc...do đó cứ tạm gọi bài thơ vô đề của PĐN như người chuyển đã mạn phép tác giả. (Có lẽ lúc chuyển qua email đã rơi mất cái tựa)


Theo tôi, bài thơ đã hay mà tựa đề cũng mang nhiều ý nghĩa.
"RA ĐI, MẮT VẪN ĐỂ SAU LƯNG"
Tôi không phải là một nhà thơ, cũng không khả năng bình thơ nhưng cảm nhận thì có. Những dòng kế tiếp của tôi, không có ý phản bác ý kiến của bất kỳ ai trong việc kêu gọi "KHÔNG GỞI TIỀN VỀ VN". Vì theo ý thô thiển của tôi, là người liều mạng sống đi tìm tự do, nên luôn tôn trọng tự do của người khác.


Cũng theo quan điểm cá nhân,


Việc nhận định về một hiện tượng có liên quan đến chính trị, luôn luôn có những điểm có thể đồng thuận, cũng có thể không .... nó cũng có thể đúng cho ngày hôm nay, rồi cũng có thể sai vào ngày mai nếu những nhận định đó không đặt căn bản trên tình tự Dân Tộc.


Xin được trình bầy một chút thiển ý về việc gởi tiền về Việt Nam.
Không ai có thể chối cãi được, việc gởi tiền về VN là một con dao hai lưỡi !
Một lưỡi nó chém vào công cuộc đấu tranh cho Dân Chủ, vì theo nhiều người nhận định, chính đồng tiền từ hải ngọai chuyển về Quốc Nội đã giúp cho chế độ CSVN ngày một vững mạnh.


Theo tôi, cũng có phần nào đúng nhưng không phải là tòan diện.
Cộng sản Việt Nam đã có chính sách vay mượn tiền Ngân Hàng Quốc Tế hay Ngân Hàng tư ngọai quốc bằng nhiều thủ đọan gian trá khác nhau như chúng ta đã biết, do đó, việc hải ngọai gởi tiền về bị kết án là làm vững mạnh chế độc CSVN chỉ đúng một phần nhỏ mà thôi.


Ngược lại, lưỡi dao thứ hai của việc gởi tiền về VN đã chém gẫy cột xương sống của chế độ CSVN là " CHÍNH SÁCH NHÂN HỘ KHẨU ".
Đúng như PĐN viết trong bài thơ :
".... chế độ tem phiếu đã không còn chỗ đứng
mất sổ gạo không còn là nỗi lo thót bụng
cứ có tiền gạo sẽ được chở đến tận nhà...."


Chỉ qua ba câu thơ ... ngắn, gọn... của PĐN cho người đọc thấy CỘT XƯƠNG SỐNG của chế độ CSVN gãy từ nhát chém của những đồng tiền mồ hôi nước mắt hải ngọai chuyển về....


Từ ngày có tôi làm lụng vất vả rên đất khách quê người, mỗi tháng tằn tiện gởi về chút ít, Mẹ già không còn phải lê lết trong những buổi họp của phường của khóm ....
"Bọn cán bộ chúng nó cắt sổ lương thực của Mẹ rồi, lý do Mẹ không chịu đi họp tổ, họp phường, vì mỗi lần họp, muỗi đốt Mẹ xưng vù cả tay chân, nhưng con đừng lo, tiền con gởi cho Mẹ hàng tháng, Mẹ muốn mua gì cũng có".
Từ đó, chính sách nhân hộ khẩu của CS không còn đọa đầy Mẹ gìa được nữa.
" Mẹ muốn mua gì cũng có" !!!


Câu hỏi đặt ra là " Ở ĐÂU MÀ CÓ"
Mẹ gìa bảo : "Bọn cán bộc ăn cắp trong xí nghiệp ra bán cho Mẹ"
Lời đối thọai ngắn ngủi giữa hai Mẹ con như đơn cử, cho ta thấy gì ?
" nền kinh tế chợ đen" đã thành hình trong lòng " nền kinh tế XHCN".
Nền kinh tế chợ đen đó, mỗi ngày mỗi lớn theo với số tiền hải ngọai chuyển về quốc nội ....
Hiện tượng " bọn cán bộ ăn cắp...." cho ta thấy, nền kinh tế XHCN bị chính những tên cán bộ CS " RÚT RUỘT " để cung cấp cho nhu cầu chợ đen ngày càng lớn mạnh như đã nói trên.


" NỀN KINH TẾ CHỢ ĐEN LỚN MẠNH BAO NHIÊU " .
" NỀN KINH TẾ XHCN BỊ RÚT RUỘT NHIỀU BẤY NHIÊU"
Như vậy, chính đồng tiền từ hải ngọai chuyển về,
BƯỚC THỨ NHẤT :
" VÔ HIỆU HÓA CHÍNH SÁCH NHÂN HỘ KHẨU"
BƯỚC THỨ HAI :
" CHÈN LẤN NỀN KINH TẾ XHCN TRẬT ĐƯỜNG RẦY"
Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, chính những đồng tiền được chuyển từ hải ngọai về quốc nội đã đóng một vai trò, không phải là chính yếu, nhưng là một trong những yếu tố quan trọng, khiến CSVN phải chuyển đổi từ nền KT/XHCN qua "nền kinh tế thị trường" để VÔ HIỆU HÓA ÁP LỰC CỦA NỀN KINH TẾ CHỢ ĐEN... đang mỗi ngày lớn mạnh, rút ruột làm sụp đổ nền KT/XHCN.


Trong đời sống tình cảm, có thể ví như những vòng tròn đồng tâm, hãy nhìn, khi ta ném một hòn đá, hòn sỏi.... xuống mặt nước ao hồ, vòng trong nhỏ nhưng đậm, rồi lan rộng ra thành những vòng lớn nhưng nhạt hơn....
Cũng vậy, việc gia đình đã tạm yên, người Việt hải ngọai bắt đầu lo đến việc xã hội ... cũng lại với đồng tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt, ngươi hải ngọai không thể không đau với nỗi đau của dân tộc trong những trận thiên tai, lũ lụt... xuyên qua những tổ chức từ thiện đáng tin cậy, mỗi người tiếp một tay cứu trợ .....trong tình tự đồng bào.


Nhưng với cộng việc này cũng có người đã phản đối.
- " Đó là việc của tụi CSVN,tại sao mình phải đưa lưng gánh cái gánh nặng đó cho nó, nó cầm quyền, nó phải lo cho dân" !!!
- " Nếu nó biết lo cho dân như lý luận trên (...có lẽ để che lấp .....một điều gì đó ), chắc tôi và Quý Vị chẳng phải lưu vong đất khách quê người".
Về phương diện tình cảm, việc tiếp tay xoa dịu nỗi đau của đồng bào quốc nội, cũng là xoa dịu nỗi dằn vặt trong lòng mỗi chúng ta.


Về phương diện chính trị, việc tiếp tay xoa dịu nỗi đau của đồng bào quốc nội cũng là để phá tan đi những tuyên truyền xảo trá của CSVN.
Những người bỏ nước ra đi là những người không chấp nhận chế độc chính trị, không phải là những kẻ làm ngơ trước khổ đau của dân tộc.
Cũng đã từ lâu, người hải ngọai cũng chắt chịu từ đồng tiền mồ hôi nước mắt đểm yểm trợ công cuộc đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền của Dân Tộc.
Bởi thế, nếu nói người bỏ nước " RA ĐI, MẮT VẪN Ở SAU LƯNG" thì thực là quá đúng và quá hay.
Trần Văn Luận/
tranvluan1944@gmail.com

 

Kính anh Luận,

Tôi viết bài thơ đã gần được 2 năm; nhận được rất nhiều phản hồi. Hôm nay nhận thêm một số nữa trong đó có bài phân tích công phu của anh. Xin gởi đến anh lời cám ơn chân thành về sự đồng cảm.

Chúc anh luôn vui khỏe.

Phạm Đức Nhì

 

  CÔ  GÁI  MẮC  BỆNH  GIUN

 

(Có người nhắc tôi : “Đừng gởi tiền về Việt Nam nữa. Làm thế

là hà hơi tiếp sức cho chế độ cộng sản đang lụi tàn.”)

 

Di cư vào nam được mấy năm

em gái tôi mắc bệnh giun

ăn uống vào người giun moi rúc hết

bụng ỏng, da vàng, mông teo đét

thỉnh thoảng lại cúi gập người

gào khóc đến toát mồ hôi

vì đau đớn

 

Ông già bà cả trong xóm

mách bảo loại thuốc nào

bố mẹ tôi cũng tìm mua

nhưng rồi đành tạm thua

lũ giun vẫn còn đó

và em tôi khốn khổ

 

Có miếng ngon

cả nhà bớt miệng, bớt mồm

nhường cho con bé

có lần bố gắt giọng với mẹ

“Cứ cho nó ăn nhiều vào!

Chỉ tổ béo mấy con giun.”

nhưng rồi nhìn đôi mắt đen nhánh, van lơn

không ai nỡ để nó thèm, nó đói

 

Sát bên nhà có một bà đứng tuổi

một hôm

thấy em tôi tiều tụy, gầy gò

tay chân khẳng khiu, ngực lép, bụng to

chõ miệng nói qua:

“Muốn giết lũ giun khốn kiếp

phải cắt ngay nguồn lương thực

Không có ăn

con gì không chết?”

 

Tôi có thương xót gì loài ký sinh

ham ăn ngon, ăn nhiều, ăn …bám

nhưng tiêu diệt chúng, với tôi,

không nhằm phục thù, rửa hận

mà để cứu người

đem lại sức khỏe, nụ cười

cho cô em gái

 

Tôi tin

rồi nhân tài trên thế giới

sẽ tìm được phương cách giết giun

mà không phải giết luôn

người bệnh

nhưng trong khi chờ đợi cái ngày ấy đến

chúng tôi những người cha, nguời mẹ, người anh

quyết không nỡ tự tay cắt đứt mạch sống

của con em mình

 

Thôi thì mặc kệ đời dị nghị

miễn sao lòng không thẹn với chữ Nghĩa

chữ Nhân

 

Phạm Đức Nhì

 

 

 

Gởi Anh Phạm Đức Nhì,

Bài này thơ này đau sót quá,
BÓNG GIÓ thế tụi hay chửi vung mạng
hiểu sao được ...cho dù câu thơ Anh viết rõ ràng:
"

tôi tin

rồi nhân tài trên thế giới

sẽ tìm được phương cách giết giun

mà không phải giết luôn

người bệnh "

 

Còn ở đây, rồi cũng có ngày mình gặp nhau.

Cảm ơn Anh chuyển cho bài thơ này, bài này tôi chưa

được đọc.

Chào Anh.

TrầnvLuận

 

Chào anh Luận,

Rất nhiều người đồng ý với anh. Theo tôi, gia đình là nền tảng của mọi quan hệ xã hội. Người ta tập hợp lại thành bộ lạc, rồi sau này thành quốc gia, phải chăng là để bảo vệ cái nền tảng đó. Tôi cũng bị cho là "không đi đúng trào lưu tranh đấu của người Việt hải ngoại", nhưng tôi vẫn viết những gì làm tâm hồn mình xốn xang, rung động.

Gởi anh đọc Một Số Emails Trao Đổi Với Độc Giả.

Chúc anh vui

PĐNhì

 

 Thân gởi Nhà Thơ hết sức đặc biệt PHẠM ĐỨC NHÌ.

 

Nội dung bài thơ hay lắm, đúng lắm, nhưng phải cô đọng lại 

trong một lập luận, một lý tưởng, một hoài bão chính thống : 

Đã đành không cộng sản, không quốc gia nghiệt ngã, nhưng phải đứng trên một thể chế dân chủ khoa học, tiên tiến . 

Những tên tuổi được đưa ra không cần thiết , chỉ một 

PHẠM ĐỨC NHÌ khởi sự cho hành trình bao quát thể chế là tuyệt vời rồi . 

Đang bận một vài việc nhà phức tạp, nên , xin phép sẽ trở lại bài thơ duy nhất, bất nhị này mai mốt nhé .

Hình thức, là một phong cách viết riêng, không cần thiết bàn ra tán vào như quý vị văn nghệ sĩ chúng ta thường đọc trên các báo giấy , báo mạng . 

 

Chưa quen biết thực tế, nhưng rất thân quý mến Nhà Thơ Đặc Biệt PHẠM ĐỨC NHÌ . 

Thân mến chúc cô chú và tất cả các em, các cháu trong đại gia đình PHẠM gia được bình an, khoẻ vui trong mùa hết sức ưu tư dịch khuẩn Wu Han này .    

       Thân chào.  CAO MỴ NHÂN 

 

 

 

YÊU THƠ NÊN PHẢI HẾT LÒNG VỚI THƠ

 

Đọc xong Một Chút Tâm Tình khá đông bạn bè và người đọc đã

gởi đến tôi những lời bình phẩm. Đồng tình cũng nhiều mà chỉ trích

cũng không ít. Một vị (lớn tuổi, có uy tín) đã trách tôi “không còn

cái tinh thần của người lính, nghe hiệu lệnh là cùng đồng đội xung

phong chiếm lĩnh mục tiêu.” Một người khác cho rằng bài thơ của

tôi đã “lạc giọng, lỗi nhịp với giàn đồng ca của người Việt hải ngoại.”

Biết trả lời sao bây giờ? Bèn viết bài thơ :

 

Có một thời bị đọa đày hành hạ

thơ của tôi rực lửa căm thù

máu và nước mắt

ướt đẫm những trang thơ

nực mùi tử khí

 

Thơ cũng đậm màu chính trị

màu này thật dễ thương

còn màu đó…

thấy mà ghê!

Ôi! Đẹp quá phe mình

còn phe bên kia

phải chọn góc nhìn

để chỉ thấy toàn điều xấu

mỗi câu thơ

một bài ca chiến đấu

một viên đạn đồng đen

bắn vào chế độ cộng sản bạo tàn

tôi bỗng thành người lính hiên ngang

cầm bút

 

Nhiều lúc

nhìn cảnh đời

dạt dào cảm xúc

bật ra mấy vần thơ

bạn bè nghe qua đầu lắc, tay xua

“không hợp với trào lưu của người Việt hải ngoại”

 

Thỉnh thoảng xem lại một số thơ mình,

thơ bạn bè đồng đội

rất lý tưởng, vững lập trường

có kỷ cương

kẻ trước dẫn dắt người sau

riêng hồn thơ

thì chẳng thấy đâu

 

Tôi lao vào đọc

mới đầu là những bài thơ tuyệt tác

tìm hiểu thêm kỹ thuật thơ ca

và rồi hầu như tất cả những gì về thơ

từ  Âu Á Tây Tầu Anh Mỹ

các trang web văn chương

Talawas, Da Màu, Tiền Vệ

ôn cố tri tân

tạo cho thơ mình một vóc dáng riêng

nhưng người lính trong tôi quá đỗi kiên cường?

nên tôi vẫn “được” đứng chung hàng

với rất đông nhà thơ – chiến sĩ

 

Một hôm cao hứng

tình quê hương đất nước dâng tràn

nghĩ đến những thôn xóm, phố phường

có tên gọi Việt Nam

đến mẹ già, đàn em

bà con, bạn bè thân thiết

đến những người chưa quen biết

và cả những người đã chết từ lâu

niềm thương cảm

từ trong từng thớ thịt

mỗi tế bào

chảy ào trên trang giấy

 

Nhưng chính ngay giây phút ấy

gió bão nổi lên, cát bụi mịt mù

và trong cái không khí rờn rợn âm u

xuất hiện một chàng trai trẻ tuổi

quân phục bạc màu

mặt buồn rười rượi

lấy cả thân người

che khuất bài thơ đang viết dở của tôi

khi con chữ vẫn cứ hàng hàng lớp lớp

bay về tới tấp

như sóng biển dồn dập

và khiến tôi trong cơn say, cơn điên

vung bút đâm phập vào trái tim

người lính

 

Tôi đang sống trên nước Mỹ

đất nước tự do

làm thơ

không phải lấm lét nhìn trước, ngó sau

nỗi lo sợ theo vào

cả trong giấc ngủ

giật thót mình nghe tiếng chó sủa

ban đêm

 

Nhưng sao trước mặt vẫn chập chờn

những bóng ma quá khứ

ánh mắt van lơn

bàn tay níu giữ

khiến đã biết bao lần

dòng thơ đang băng băng tuôn chảy

phải khựng lại

luồn lách qua hướng khác

 

…………

Để có thể hết lòng hết dạ

trọn tình trọn nghĩa

với nàng thơ

tôi tay cầm bút viết, tay nắm dao quơ

đuổi, giết bằng sạch những hồn ma, bóng quỷ

(truyền thống, khuôn phép lễ giáo, thước đo giá trị

của người đời)

 

Trên trang thơ của mình

tôi chỉ trung thành

với nhịp đập

của chính trái tim tôi.

 

Phạm Đức Nhì

San Leon cuối tháng 1 năm 2013

 

 

 

 

Comments

Popular posts from this blog

CÓ “SÓNG CUỒNG” TRONG THƠ TRẦN MẠNH HẢO?

Tô Ðông Pha Sửa Thơ Vương An Thạch

BÀI VIẾT THAY CHO BÌNH LUẬN TRẢ LỜI PHÚ ĐOÀN